Lưu vong ở Xiêm Nguyễn Phúc Ánh

Chân dung Bá Đa Lộc.

Sau một năm chuẩn bị, tháng 12 năm 1784[95] Giám mục Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh và phái đoàn đem quốc thư của Nguyễn Ánh xuống thuyền đi Malacca rồi sang PondichéryẤn Độ (thuộc Pháp), còn Nguyễn Ánh đưa mẹ và vợ sang trú ở Long Kì (hay Đồng Khoai, Vọng Các).[96]

Với số binh tướng từ Đại Việt mà Nguyễn Ánh thu nhặt được, ông cho tổ chức lại binh tướng trên đất Xiêm rồi lâu lâu cho quân đột kích về Gia Định.[87] Tháng 2 năm 1786, Nguyễn Ánh cùng tướng Lê Văn QuânNguyễn Văn Thành giúp vua Xiêm Rama I đánh quân Miến Điện ở đất Sài Nặc. Vua Xiêm cảm tạ, định lại cho mượn quân sang đánh lấy lại Gia Định nhưng Nguyễn Văn Thành can ngăn nên Nguyễn Ánh từ chối.[97] Tháng 3 năm 1786, Lê Văn Quân lại giúp Xiêm đánh quân hải tặc Mã Lai, nên Xiêm La rất hậu đãi.[97][98]

Đầu năm 1787, có người Bồ Đào Nha tên Ăn Tôn Nui đến gặp Nguyễn Ánh dâng quốc thư và nói rằng Hoàng tử Cảnh có nhờ nước Bồ Đào Nha giúp, đã chuẩn bị được 56 tàu chiến ở Goa, mời Nguyễn Ánh sang đất thuộc địa của Bồ Đào Nha. Nguyễn Ánh có cử sứ giả đi thăm dò nhưng do thấy vua Xiêm không hài lòng nên rốt cục không hợp tác.[99][100][101]

Cầu viện Pháp

Phần chữ ký trên Hiệp ước Versailles năm 1787.

Về Bá Đa Lộc, do một số vấn đề rắc rối tại Pondichéry, mãi đến tháng 2 năm 1787 Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Cảnh mới tới hải cảng Lorient ở Pháp và mất một thời gian vận động, đầu tháng 5 năm 1787 họ mới được gặp vua Louis XVI. Ngày 28 tháng 11 năm 1787,[102] tại cung điện Versailles, Bá Đa Lộc với tư cách là đại diện của Nguyễn Ánh đã ký với Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc một bản hiệp ước "Tương trợ tấn công và phòng thủ" (thường gọi là Hiệp ước Versailles). Hiệp ước này gồm có 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến loại frégaté cùng 1.200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 lính Cafres (lính da đen châu Phi)[102] và các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵngquần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam,[103] mỗi năm sẽ đóng trả cho Pháp một chiếc tàu giống với loại tàu Pháp viện trợ đồng thời cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông.[104]

Các sử gia về sau cho rằng tuy là ký kết dưới danh nghĩa Nguyễn Ánh, nhưng người chịu trách nhiệm về việc soạn ra các điều khoản đặc biệt có lợi cho phía Pháp trong hiệp ước này có thể là Giám mục Bá Đa Lộc chứ không phải là chính bản thân Nguyễn Ánh; nếu không có lệnh đình chỉ việc thực thi điều ước thì khi trao đổi văn kiện chưa chắc Nguyễn Ánh đã chịu chấp nhận một hiệp ước bất bình đẳng như thế này.[105] Nhưng dù như thế nào, Hiệp ước Versailles năm 1787 đã không thành hiện thực (do cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã lật đổ Hoàng gia Pháp).[106]

Tuy nhiên Hiệp ước Versailles vẫn trở thành một di họa đối với Việt Nam. Về sau, Pháp đã dựa vào hiệp ước này để làm cớ yêu cầu nhà Nguyễn cắt đất, và sau đó xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét:[107]

...đúng là sĩ quan Pháp đã giúp nhiều cho Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Cho nên trong triều đình Huế, đến khi Gia Long lên ngôi, vẫn còn thấy mấy quan đại thần mắt xanh tóc đỏ. Khỏi phải nói trắng ra, các quan đại thần đó như Dayot, Chaigneau, Vannier… đều là tai mắt của Paris. Còn Paris thì các nhà cầm quyền từ Đệ nhất Đế chế đến Đệ tam Cộng hòa đều không lúc nào quên Hiệp ước Versailles 1787. Paris luôn nhắc nhở Huế cái hiệp ước “trời cho” ấy bằng đường ngoại giao và bằng đại bác của chiến hạm bắn lên Đà Nẵng. Cầu viện Pháp, Hiệp ước Versailles đã tạo thành một “nghiệp chướng” cho triều đình Nguyễn.

Sau này tác giả Faure chép truyện Bá Đa Lộc, có nuối tiếc rằng nếu Hiệp ước được Pháp thực hiện thì quân Pháp có thể chiếm được Việt Nam sớm hơn mấy chục năm:

“Nếu lúc ấy Chính phủ Pháp sẵn sàng giúp ông Bá Đa Lộc thì ông ấy đã giúp cho nước Pháp hoàn thành cuộc bảo hộ ở An Nam ngay từ cuối thế kỷ 18, để sau khỏi phải dùng đến chiến sự mới xong công việc”.[108]